+84.24.37633366
Info@lotustse.vn
Tầng 7, Tòa nhà hội nhà báo Việt Nam
Lô E2-KĐT Cầu Giấy, Phố Dương Đình Nghệ, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
08:00 - 17:30
Từ thứ 2 đến thứ 6
03/01/2019 12:26
Thương mại toàn cầu có mối liên hệ mật thiết, “sống còn” với logistics, nhưng khả năng tích hợp, mua - bán, sáp nhập, các tiến bộ công nghệ và chính sách về môi trường sẽ là những động lực chính cho sự thay đổi lĩnh vực này trong thời gian tới.
Các xu hướng tác động
Năm 2018, thương mại quốc tế khá sôi động trong 6 tháng đầu năm, sau đó bắt đầu bị tác động bởi chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn và xu hướng bảo hộ. Dịch vụ logistics cũng không thể tránh được những tác động đó.
Trong nửa đầu năm, dư địa từ tăng trưởng kinh tế năm 2017 thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư và logistics, đặc biệt tại các nền kinh tế mới nổi. Sau đó, những quan ngại về chính sách thuế nhập khẩu tăng cao do xung đột thương mại lan rộng trong nửa cuối năm 2018 đã thúc đẩy các chủ hàng tranh thủ chốt hợp đồng và giao hàng trong quý II/2018, dẫn đến sự tăng trưởng cả về vận chuyển đường thủy và đường hàng không.
Phần lớn chủ hàng và đối tác cung cấp dịch vụ logistics trong các cuộc khảo sát đều cho rằng, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và các đối tác thương mại lớn, tiêu biểu như Trung Quốc, EU và những vấn đề địa chính trị tác động trực tiếp đến hoạt động logistics toàn cầu, mà trước hết là vận tải và kho bãi. Rủi ro đối với chuỗi cung ứng và hoạt động logistics có sự phân hóa giữa các khu vực địa lý trên thế giới. Ở châu Á - Thái Bình Dương, rủi ro hàng đầu là những cú sốc kinh tế do bảo hộ thương mại; ở Mỹ Latinh là tình trạng tham nhũng; Trung Đông và Bắc Phi là vấn đề khủng bố; vùng Hạ Sahara, cơ sở hạ tầng kém là những rủi ro và trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của dịch vụ logistics.
Mặc dù yếu tố tác động đến logistics khác nhau giữa các khu vực nhưng xu hướng chung có thể thấy, lao động giá rẻ không còn là yếu tố chính trong việc xếp hạng những thị trường logistics mới nổi. Thay vào đó, các chuyên gia và doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm hơn đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài, khối lượng thương mại, vị trí, cơ sở hạ tầng giao thông và mức độ áp dụng công nghệ để đánh giá và quyết định đầu tư vào lĩnh vực logistics của một quốc gia. Sức mạnh của công nghệ đối với năng lực cạnh tranh logistics có thể thấy rõ nhất qua trường hợp của Đức. Đức luôn dẫn đầu về chỉ số năng lực logistics. Năm 2012, vị trí này bị thay thế bởi Singapore- một trong những điểm sáng về logistics tại khu vực châu Á. Năm 2014, Đức quay trở lại vị trí đầu thế giới về năng lực logistics và duy trì vị thế đến nay.
Thị trường logistics thế giới cũng đang chứng kiến sự phát triển của các gói dịch vụ tích hợp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của cả chủ hàng và người tiêu dùng; qua đó, nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng. Do xây dựng cơ sở hạ tầng cho logistics được thực hiện nhờ quá trình mở rộng vốn và sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp có xu hướng tăng thuê ngoài dịch vụ logistics để giảm chi phí hoạt động và đầu tư.
Thị trường dịch vụ logistics sẽ tiến triển mạnh hơn trong thời gian tới khi các nhà cung cấp dịch vụ hướng tới việc sử dụng dịch vụ thanh toán cước và kiểm toán tự động để giảm chi phí. Các nhà cung cấp này đang đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro, quản lý hàng tồn kho và tập trung vào năng lực cốt lõi của hoạt động kinh doanh. Sự xuất hiện của Big Data và các dịch vụ logistics được thiết kế riêng cho những ngành cụ thể, dự kiến sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành. Những nỗ lực tăng cường kiểm soát nội bộ và toàn bộ hành trình chu chuyển của dòng hàng đã thúc đẩy dịch vụ 3PL của các công ty trung gian. Sự phức tạp và những đòi hỏi tối ưu hóa trong quản lý chuỗi cung ứng thúc đẩy các dịch vụ có mức độ tích hợp cao hơn là 4PL và 5PL. Thị trường này dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong vòng 5 năm tới...
Sức ép tạo động lực phát triển
Dịch vụ tích hợp, mua - bán, sáp nhập, các tiến bộ công nghệ và chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu là những động lực chính cho sự thay đổi trong lĩnh vực vận tải toàn cầu. Chi phí cho vận tải chiếm khoảng 60% chi phí chung của logistics. Nhờ tính linh hoạt, tiếp cận dễ dàng, độ tin cậy và khả năng phục vụ “door-to-door” nên vận tải đường bộ chiếm 44,6% về doanh thu vận tải. Nhưng xét theo khối lượng, đường thủy chiếm tỷ trọng hàng đầu với khoảng 47 - 48% thị phần toàn cầu.
Theo thống kê của Diễn đàn Vận tải toàn cầu, vận tải tàu container toàn cầu đã tăng trưởng 4,8% trong năm 2017, vận tải hàng không tăng 9% - cao hơn rất nhiều so với mức tăng 3,8% của năm 2016. Vận tải đường sắt cũng tăng trưởng tốt, tiêu biểu là Nga tăng 6,4%, Hoa Kỳ 5,3%, EU tăng 3,5%. Vận tải bằng đường bộ tiếp tục mở rộng tại khu vực EU với mức tăng 3,5%; tốc độ phục hồi của Nga chậm lại, chỉ tăng 2,1% do EU tiếp tục kéo dài lệnh cấm vận thương mại với nước này.
Báo cáo của Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy, thương mại hàng hải toàn cầu tăng trưởng 4% trong năm 2017, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, đạt 10,7 tỷ tấn hàng hóa, tăng 411 triệu tấn so với năm 2016. Khối lượng vận chuyển tăng ở hầu hết các phân khúc, tạo tiền đề cho tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018, trước khi cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn làm xáo trộn một số chuỗi cung ứng hàng hóa truyền thống. UNCTAD dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong tổng khối lượng 3,8% lên đến 2023. Doanh thu tăng chủ yếu do giá cước, nhưng năng lực cung ứng tổng thể cũng sẽ được cải thiện nhờ khả năng tích hợp giữa các mắt xích trong chuỗi.
Về phía cung, sau 5 năm sụt giảm, năm 2017 đã chứng kiến số lượng tàu tăng trở lại. Tổng tải trọng tàu biển toàn cầu tăng 42 triệu tấn lớn, tương đương tăng 3,3%. Trong chuỗi giá trị vận tải biển, Đức hiện duy trì vị trí đầu tiên với 20% thị phần vào đầu năm 2018. Một số nước có thị phần tăng lên gồm: Hy Lạp, Trung Quốc, Canada. Năm 2018, Marshall Islands đã lên vị trí thứ hai về số tàu mang quốc tịch của mình, sau Panama và đứng thứ 3 là Liberia.
Ngành vận tải biển đã được củng cố thông qua sáp nhập, mua lại và tái cấu trúc liên minh toàn cầu. Tính đến tháng 1/2018, 15 hãng tàu hàng đầu đã chiếm 70,3% tổng công suất. Thị phần của các hãng này đã tăng nhờ hoàn thành tích hợp hoạt động của những vụ sáp nhập mới vào năm 2018, với 10 hãng tàu lớn nhất kiểm soát gần 70% công suất đội tàu của thế giới tính đến tháng 6/2018.
Khoa học - công nghệ tạo sức đẩy mạnh cho ngành logistics nói chung và hàng hải nói riêng. Năng suất đã tăng rất mạnh nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ, hoạt động cảng toàn cầu và xử lý hàng hóa mở rộng nhanh chóng trong những năm gần đây. UNCTAD ước tính, 752 triệu đơn vị vận chuyển đã được luân chuyển tại các cảng container trên toàn thế giới trong năm 2017. Cùng với sự ra đời và đưa vào hoạt động của tàu chở hàng kích thước ngày càng lớn cũng như sự hình thành của các liên minh vận tải, liên minh vận tải - cảng biển, cơ sở hạ tầng hàng hải cũng buộc phải thay đổi để thích ứng được với nhu cầu mới…
Theo khảo sát và dự báo của Viện Nghiên cứu Panteia (Hà Lan), tổng vận chuyển hàng hóa của thế giới có thể tăng 3,3% trong năm 2018, sau đó chậm lại trong năm 2019 với mức tăng 2,3%. Dự báo dựa trên đánh giá về khả năng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, chính sách tăng thuế nhập khẩu của các nước, giá dầu và nhiều nhân tố ảnh hưởng khác, bao gồm cả vấn đề chính trị, xã hội và tự nhiên. |